Là người đứng giữa hai 'làn đạn' nên phải cao tay lắm, các anh mới có thể hòa giải được căng thẳng mẹ chồng nàng dâu.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không những làm cho mẹ chồng, con dâu đau đầu mà cũng khiến cả người đàn ông – người đứng giữa “hai làn đạn” lâm vào cảnh bế tắc. Tuy nhiên vẫn có những anh chàng cao tay đứng giữa mà không phải “ăn đạn” của bên nào. Hãy nghe các anh chia sẻ kinh nghiệm xương máu này nhé!

Anh Tiến (Vĩnh Phúc) tự hào chia sẻ về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong gia đình mình: “Mẹ và vợ tôi thương nhau lắm, cứ như mẹ đẻ với con gái vậy. Không phải ngay từ đầu mẹ và vợ tôi tốt như vậy đâu, cũng phải trải qua một thời gian điêu đứng đó. Quan trọng nhất là lúc đó mình phải làm sao cho mẹ và vợ hiểu nhau thì mối quan hệ mới có thể tốt đẹp lâu dài”.

Anh Tiến kể, mẹ anh khá khó tính và cổ hủ. Theo mẹ anh thì gái đã có chồng không nên quá đẹp, dễ bị thằng khác nó “dòm”. Thế nên việc con dâu mặc đẹp, trang điểm đi làm khiến bà tức mắt. Từ chuyện tức mắt đến chuyện bà hay mỉa mai, bắt bẻ vợ anh trong mọi việc. Mà vợ anh đâu phải ăn mặc hở hang, trang điểm lòe loẹt gì đâu. Chị mặc rất đẹp, rất nhã nhặn lịch sự. Anh cũng rất ủng hộ cách ăn mặc của chị. Nhưng vì mẹ mình khá khó tính nên anh cũng không tiện bênh vợ ra mặt. Mẹ anh thì cứ khó chịu, mắng mỏ vợ. Còn vợ thì giận dỗi chồng vì anh không đứng ra bênh chị.


Vì mẹ mình khá khó tính nên anh cũng không tiện bênh vợ ra mặt (Ảnh minh họa).

Có những lúc anh Tiến thấy bức bối, khó chịu vô cùng, về nhà nhìn mặt mẹ và vợ cứ như đưa đám, bữa cơm ăn cũng chẳng thấy ngon. Anh Tiến bắt đầu suy nghĩ phải tìm cách giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mới mong có chốn đi về yên thân. Anh Tiến hớn hở khoe thành tích của mình: “Tôi chẳng dại gì ra mặt bênh vực bên nào cả vì bênh bên này thì chắc chắn sẽ 'dính đạn' của bên kia. Vậy là tôi đành nhờ cả đứa em gái đã đi lấy chồng giúp đỡ. Tôi nhờ em gái thỉnh thoảng sang nhà tôi chơi, ăn mặc và trang điểm đẹp, giống như kiểu vợ tôi hay mặc. Mẹ tôi thấy em ăn mặc khác trước thì ngạc nhiên lắm. Em nói với mẹ tôi là em mặc đẹp để giữ chồng thôi vì có lần em mặc lôi thôi đi cùng chồng, bị mọi người chê cười, rồi làm xấu mặt chồng. Mẹ chồng em biết chuyện liền khuyên em nên thay đổi cách ăn mặc sao cho mát mày mát mặt chồng, không có đến lúc chồng đi theo gái thì khổ cháu bà. Rồi em khen mẹ chồng em vừa tâm lý vừa khôn khéo, vì làm vậy em càng thấy nể trọng bà, hơn nữa gia đình con trai hạnh phúc thì cháu bà mới sung sướng, bản thân bà cũng đỡ đau đầu nhức óc… Sau lần ấy mẹ tôi không còn càu nhàu chuyện ăn mặc mỗi khi vợ tôi đi làm nữa. Tôi biết mình đã thành công được một nửa”.

Mặt khác, anh Tiến lại phải dỗ ngọt tự ái của vợ: “Tôi thủ thỉ với vợ là: ‘Mẹ già rồi nên đôi khi hơi khó tính, anh biết em oan ức lắm nhưng anh cũng có cái khó của anh. Nếu anh công khai bênh em thì mẹ lại càng khó chịu, lại càng làm khó em hơn. Thế nên đừng giận anh nhé. Anh chỉ muốn gia đình mình được yên ấm. Mình còn sống với nhau cả đời, còn mẹ chỉ sống với chúng ta một thời gian ngắn nữa thôi. Em chịu khó nhịn mẹ một chút, thử coi như mẹ chồng là mẹ đẻ một lần rồi em sẽ thấy mẹ sẽ khác…’. Vậy là vợ ôm tôi tủi tủi hờn hờn khóc lóc một hồi. Xong rồi vợ cũng gật đầu nghe theo”.

Được biết, từ ngày đó vợ anh Tiến chẳng cãi lại mẹ chồng, nếu bà có nặng lời thì vợ anh lại xin lỗi mẹ chồng. Vợ anh cũng chăm mua đồ dưỡng da, mua quần áo đẹp tặng mẹ chồng hơn. Ngày nghỉ, vợ chồng anh hay rủ mẹ chồng đi mua sắm đồ, cái gì vợ anh cũng hỏi mẹ chồng trước, bà bắt đầu vui vẻ với con dâu. Về nhà hai mẹ con lại rủ rỉ vào bếp, chị vợ cười giả lả nhờ mẹ chỉ cho vài món tủ để giữ chồng. Anh kể có lần mẹ và vợ anh Tiến đi mua quần áo, cô bán hàng khen mẹ anh có làn da mịn đẹp, rồi quay sang khen vợ anh xinh, chắc là thừa hưởng hết những nét đẹp từ mẹ anh. Khỏi phải nói, lúc đó mẹ anh sung sướng cười tít mắt bảo với chị bán hàng “Con bé đúng là thừa hưởng hết nét đẹp của tôi đấy”.

Cũng từng một thời đau đầu về mối quan hệ giữa mẹ và vợ, anh Nam (Nam Đồng, Hà Nội) đã phải dùng “khổ nhục kế” để giảng hòa mâu thuẫn của hai người phụ nữ trong nhà. Chẳng là mối quan hệ  mẹ chồng nàng dâu giữa mẹ và vợ anh Nam cũng xảy ra bất đồng quan điểm trong cuộc sống hàng ngày.


Từ ngày đó, chẳng mấy khi thấy mẹ chồng nàng dâu to tiếng hay mặt nặng mày nhẹ với nhau nữa (Ảnh minh họa).

“Tôi đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, vậy là tôi phải gỡ nút thắt từ đó” – anh Nam chia sẻ. Mẹ và vợ anh luôn luôn có những quan điểm trái chiều nhau, cho dù đó là việc nhỏ nhất. Vậy nên anh Nam quyết tâm để cho mẹ và vợ một lần phải cùng chung quan điểm, mục đích. Anh giả vờ trở thành người con, người chồng hư hỏng vô trách nhiệm. Cứ tối đến anh ngồi lì ở cơ quan, chờ khuya mới trở về nhà. Hôm nào hôm ấy đầu tóc bù xù, quần áo thất thểu.

Anh Nam nhớ lại “mưu kế” của mình: “Khi đó vợ tôi lo lắng lắm, cô ấy hỏi thì tôi cáu gắt lên, tôi nói chán về nhà lắm rồi. Rồi tôi nói không có nơi nào để đi nên tôi đi đánh bài, thua sạch rồi. Vậy là vợ khóc lóc, giận dỗi nhưng tôi cũng mặc kệ. Đến hôm sau thì giả vờ hối lỗi xin vợ tha thứ và hứa không vậy nữa”. Đó là chiêu ứng phó với vợ, còn với mẹ thì anh Nam lại có cách đối phó khác. “Hôm ấy tôi vay mẹ 10 triệu và bảo mẹ là đừng nói cho vợ tôi biết, tôi có việc giấu vợ. Vậy là mẹ cho tôi vay không nghi ngờ gì. Hôm đó tôi đi làm nhưng không về nhà, ở lại nhà anh bạn. Đến đêm chẳng thấy tôi về, vợ khóc lóc, bù lu bù loa chuyện tôi đi đánh bạc lên. Mẹ tôi cũng biết chuyện, bà giật mình vì sáng vừa đưa tiền cho tôi. Vậy là những ngày sau đó cả mẹ và vợ đều lo lắng làm cách nào để tôi không dây dưa đến con đường cờ bạc nữa. Đó là lần đầu tiên hai người phụ nữ trong gia đình tôi đồng tâm hiệp lực”.

Sau đó, mẹ và vợ anh Nam trở nên thân nhau hơn. Cả hai người phụ nữ giám sát mọi hành động, giờ giấc của anh Nam. “Mặc dù có chút khó chịu nhưng nhìn mẹ và vợ trở nên hòa hợp như vậy tôi cũng thấy đáng lắm. Cũng may mọi chuyện từ ngày đó đã êm xuôi, gia đình tôi giờ khá hòa hợp, chẳng mấy khi thấy mẹ chồng nàng dâu to tiếng hay mặt nặng mày nhẹ với nhau nữa”.



Bạn có thể xem thêm: 
 
Top